Thực phẩm nhiễm Salmonella nguy hiểm như thế nào?
Salmonella là một loại vi khuẩn có thể lây nhiễm sang người nếu ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc với động vật có vi khuẩn này.
Ăn phải thực phẩm, uống nước bị nhiễm khuẩn không được nấu chín là đường lây quan trọng gây ngộ độc thức ăn và có thể gây thành dịch ngộ độc thức ăn do nhiễm Salmonella.
1. Salmonella là gì?
Salmonella là một loại vi khuẩn có thể gây ra bệnh Salmonellosis. Đây là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra tiêu chảy, sốt và đau bụng. Vi khuẩn Salmonella có trong ruột của chúng ta và ruột của nhiều loài động vật.
Con người thường bị nhiễm khuẩn Salmonella do ăn thực phẩm có vi khuẩn sống trên đó ví dụ như thịt gà nấu chưa chín hoặc do uống nước bị ô nhiễm. Chúng ta cũng có thể bị nhiễm khuẩn này do chạm vào động vật bị nhiễm vi khuẩn hoặc tiếp xúc với phân của chúng hoặc nơi chúng sống. Nếu bị dính vi khuẩn vào tay rồi chạm vào miệng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể. Đây là lý do tại sao rửa tay sau khi chạm vào gia súc và trước khi ăn là điều quan trọng.
2. Những thực phẩm có thể nhiễm khuẩn Salmonella
Con người có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella từ một số loại thực phẩm như thịt gà, thịt lợn và trứng. Nó cũng có thể đến từ thực phẩm bị nhiễm khuẩn như trái cây, rau, giá đỗ, bơ hạt và thực phẩm đông lạnh như bánh nướng, gà viên. Vì vậy, cần rửa thực phẩm kỹ lưỡng, đúng cách và nấu thực phẩm ở nhiệt độ an toàn.
Vi khuẩn Salmonella có thể có trong vô số loại thực phẩm, không chỉ riêng gia cầm mà cả trái cây, rau củ và nước cũng có thể mang vi khuẩn này nếu chúng tiếp xúc với phân bón có chứa phân của động vật bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.
3. Triệu chứng của nhiễm khuẩn Salmonella
Sốt, đau bụng và tiêu chảy có thể ra máu là triệu chứng điển hình. Buồn nôn, nôn mửa và đau đầu cũng có thể xảy ra. Các triệu chứng thường bắt đầu trong vòng vài giờ nhưng có thể mất vài ngày mới xuất hiện.
Hầu hết mọi người đều hồi phục tốt và không cần dùng kháng sinh. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ biến chứng do vi khuẩn Salmonella cao nhất. Những nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi hoặc người suy giảm miễn dịch có thể cần điều trị nhiều hơn là nghỉ ngơi và uống nhiều nước thông thường.
Nếu bị tiêu chảy nghiêm trọng hoặc không thể ngừng nôn, nên đến ngay cơ sở y tế vì người bệnh có thể bị mất nước hoặc vi khuẩn có thể đi từ ruột vào máu gây tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng.
4. Vi khuẩn Salmonella có gây tử vong không?
Có thể, nhưng rất hiếm. Có hơn một triệu trường hợp mắc bệnh Salmonellosis ở Hoa Kỳ mỗi năm dẫn đến khoảng 400 ca tử vong. CDC Hoa Kỳ ước tính có 15,2 trường hợp trên 100.000 người ở Hoa Kỳ.
Bệnh Salmonella có thể lây truyền qua dịch cơ thể. Nó thường lây lan qua phân hoặc tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống và các động vật khác. Lây nhiễm chéo cũng có thể xảy ra, vì vậy khi cắt thịt trên thớt, hãy đảm bảo rửa sạch thớt cùng với tay và dao hay bất kỳ bề mặt nào bằng nước xà phòng nóng để tránh vi khuẩn lây lan.
5. Làm thế nào để ngăn ngừa nhiễm khuẩn Salmonella?
Rửa tay là một trong những cách tốt nhất để tránh bị nhiễm khuẩn Salmonella. Nấu chín thực phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm đúng cách đều quan trọng. Khi đi dã ngoại hoặc nấu ăn ngoài trời, hãy giữ thức ăn nóng luôn nóng và thức ăn lạnh luôn lạnh. Nếu chạm vào động vật như gia súc hoặc vật nuôi như chim, bò sát và lưỡng cư, hãy nhớ rửa tay hoặc ít nhất là khử trùng tay ngay sau khi chạm vào.
Theo các bác sĩ Khoa Vi sinh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để đề phòng ngộ độc thức ăn do trực khuẩn Salmonella, cần lưu ý một số biện pháp sau:
- Chọn thực phẩm tươi. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn sẽ tiêu diệt được vi khuẩn.
- Ăn ngay sau khi vừa nấu xong (trong 2 giờ đầu), vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khoẻ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng phải được đun kỹ lại trước khi ăn. Không sử dụng các thức ăn quá hạn, thức ăn ôi thiu.
- Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn, cần phải được bảo quản đúng cách, hợp vệ sinh.
- Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng.
- Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn, đặc biệt là nấu ăn cho trẻ nhỏ...
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/thuc-pham-nhiem-salmonella-nguy-hiem-nhu-the-nao-169241130233524709.htm