Một số tác hại khi ăn tiết canh
Hiện nay, người dân không chỉ ăn tiết canh của những loại động vật như tiết canh vịt, lợn, dê mà còn ăn nhiều loại tiết canh của các động vật hoang dã như trũi, nhím, dơi và cả cá. Đôi khi còn có những người quan niệm ăn tiết canh có giá trị dinh dưỡng cao và cho rằng ăn tiết canh rất bổ mát nhưng không ít người đã phải trả giá bằng chính mạng sống vì họ đâu biết rằng tiết canh sống chứa rất nhiều vi khuẩn có hại đặc biệt là nếu ăn phải tiết canh sống từ những động vật bị nhiễm giun sán, liên cầu lợn hay viêm não mô cầu, bệnh đường tiêu hóa thì nguy cơ tử vong là rất cao.
Bệnh sán lợn gạo
Sán lợn gạo là do sán dây trưởng thành trong người. Chúng thường ký sinh ở ruột, với những con sán già thì đốt của chúng sẽ bị rụng dần và theo phân ra ngoài với trứng. Lợn vô tình ăn phải trứng sán, trứng sán khi vào cơ thể lợn sẽ trở thành một loại ấu trùng có hình như hạt gạo trú ngụ tại các bắp thịt lợn như: gân, mỡ, thịt nạc vai…Nếu không may ăn phải tiết canh của heo nhiễm loại sán này, người ăn sẽ mắc bệnh trong vòng vài tháng.
Khi ấu trùng sán đi vào ruột, bám vào niêm mạc ruột và phát triển thành những loại sán trưởng thành. Ấu trùng sán phát triển trong cơ thể người cũng giống như ở cơ thể của lợn, gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh.
Khi vi khuẩn liên cầu lợn vào trong máu thì nó sẽ nhân lên nhanh chóng tiết ra những độc tố vào trong cơ thể. Đây chính là nguyên nhân khiến người bệnh gặp phải các dấu hiệu như: đau đầu, sốt cao, ù tai, xuất huyết.
Nhiều người ăn tiết canh lợn bị hoại tử do xuất huyết dưới da từng mảng, xuất huyết tiêu hóa. Bên cạnh đó người bệnh còn có thể bị nhiễm độc tố rất nặng kèm theo các triệu chứng như: tụt huyết áp, suy hô hấp, trụy tim mạch có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Liên cầu lợn có thể lây qua tiếp xúc (khi giết mổ...) nhưng lây truyền cơ bản nhất vẫn là ăn thực phẩm từ lợn chưa được nấu chín. Trong đó, 70% bệnh nhân xác định có ăn món tiết canh lợn.
Bệnh giun xoắn
Bộ Y tế vừa cảnh báo một loại giun rất nguy hiểm gấp nhiều lần những loại giun sán bình thường. Đây cũng là loại giun duy nhất gây nên tình trạng sốt cao kéo dài ở người bệnh.
Chúng thường ký sinh chủ yếu trong ruột non của loại động vật chủ yếu là lợn. Ấu trùng giun xoắn thường đi khắp cơ thể và dừng lại với dạng kén ở các cơ, sống rất dai.
Những bệnh nhân bị bệnh giun xoắn chủ yếu là do ăn tiết canh lợn bị nhiễm giun xoắn mà không được chế biến kỹ nhất là món lòng luộc và tiết canh. Được biết bệnh giun xoắn rất khó chữa và khả năng tử vong cũng rất cao.
Hình ảnh: Giun xoắn
Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, dù là tiết canh lợn, dê hay vịt, ngan… và không ăn các sản phẩm làm từ thịt chưa được nấu chín. Tuyệt đối không thịt gia súc, gia cầm chết. Không ăn các món ăn tái sống như gỏi, nem chua, nem chạo, đặc biệt là tiết canh. Sử dụng các phương tiện phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt. Khi có vết thương hở không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt tươi sống. Vệ sinh các đồ dùng giết mổ, chế biến hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng...Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc./.
Đoàn Thị Huê (tổng hợp)