Quy trình rửa tay thường quy của Bộ y tế
Hình 1: Bàn tay bẩn có thể mang tới rất nhiều mầm bệnh
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rửa tay được coi là liều vaccine tự chế, rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Những năm gần đây, Bộ Y tế đã phát động phong trào vệ sinh bàn tay ở cả bệnh viện và cộng đồng. Theo nhiều báo cáo của các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn trong và ngoài nước thì các bệnh truyền nhiễm đã và đang diễn ra trong cộng đồng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách giữ gìn vệ sinh, trong đó có rửa tay bằng xà phòng.
Theo đó, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp tới 19-45%. Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh. Ngày 12/10/2007, Vụ điều trị Bộ Y tế đã ban hành công văn số 7517/BYT-ĐTr hướng dẫn về Quy trình rửa tay thường quy.
Cần chuẩn bị những gì trước khi rửa tay:
– Lavabo, vòi nước có cần gạt bằng tay hoặc bằng chân;
– Nước sạch;
– Xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khử khuẩn;
– Hộp đựng khăn lau tay sạch dùng 1 lần;
– Thùng đựng khăn lau tay bẩn.
* Chú ý: Dùng xà phòng bánh phải dùng loại có chất diệt khuẩn và phải giữ cho bánh xà phòng luôn khô bằng cách đựng trong hộp có lỗ thoát nước ở đáy.
Quy trình rửa tay thường quy (Theo công văn số 7517/BYT-ĐTr ngày 12 tháng 10 năm 2007)
Hình 2: Quy trình rửa tay thường quy
– Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
– Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
– Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.
– Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
– Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
– Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.
* Chú ý: Mỗi bước “chà” 5 lần. Thời gian rửa tay tối thiểu 30 giây.
Nên rửa tay khi nào?
Mục đích của rửa tay thường quy là làm sạch và loại bỏ vi khuẩn vãng lai trên da tay, đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện. Vì vậy, nên rửa tay vào các thời điểm sau:
– Trước khi mang găng.
– Trước và sau khi khám, chăm sóc mỗi người bệnh.
– Trước khi chuẩn bị dụng cụ, thuốc.
– Trước khi chế biến hoặc chia thức ăn.
– Trước khi di chuyển bàn tay từ vùng cơ thể nhiễm khuẩn sang vùng sạch trên cùng một bệnh nhân.
– Sau khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người bệnh.
– Sau khi tiếp xúc với đồ vật nhiễm bẩn.
– Sau khi tháo găng.
– Khi có cảm giác hoặc nhìn thấy tay bẩn.
Bộ Y tế