6 điều quan trọng cần biết khi dùng thực phẩm bổ sung
Trên thế giới, xu hướng sử dụng thực phẩm bổ sung ngày càng tăng, trong đó có Việt Nam do tâm lý loại thực phẩm này có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, thực phẩm bổ sung chỉ thực sự có lợi khi được dùng đúng cách.
1. Tính hiệu quả và an toàn khi dùng thực phẩm bổ sung
Thực phẩm bổ sung là các sản phẩm được sản xuất có các thành phần bổ sung dưỡng chất như: vitamin, khoáng chất, acid amin, các chất chống oxi hóa hoặc các hợp chất khác mà người dùng có thể không được cung cấp đủ từ chế độ ăn uống hàng ngày.
Thực phẩm bổ sung có nhiều dạng khác nhau như: kẹo, bột, đồ uống, thanh năng lượng, sản phẩm thảo dược, enzyme....
Về sự an toàn của thực phẩm bổ sung thì những người có tình trạng sức khỏe bình thường uống vitamin tổng hợp không gây rủi ro cho sức khỏe. Tuy nhiên, thực phẩm bổ sung có thể tương tác với thuốc hoặc gây rủi ro nếu bạn gặp một số vấn đề y tế hoặc sắp phẫu thuật.
Nhiều chất bổ sung chế độ ăn uống chưa được thử nghiệm ở phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú hoặc trẻ em.
Một số sản phẩm được tiếp thị dưới dạng thực phẩm bổ sung (được quảng bá chủ yếu để giảm cân, tăng cường khả năng tình dục và thể hình) có thể chứa các loại thuốc theo đơn không được phép dùng trong thực phẩm bổ sung hoặc các thành phần khác không được liệt kê trên nhãn. Một số thành phần này có thể không an toàn.
2. Lời khuyên để sử dụng thực phẩm bổ sung an toàn
2.1 Xác định lý do tại sao bạn dùng thực phẩm bổ sung
Nếu bạn chưa bao giờ dùng thực phẩm bổ sung trước đây, bạn có thể tự hỏi: "Tại sao tôi nên dùng? Những chất bổ sung này mang lại lợi ích gì cho tôi?" Biết lý do tại sao dùng chất bổ sung sẽ giúp bạn có lựa chọn phù hợp với sức khỏe của mình.
Thực phẩm bổ sung có sẵn để bổ sung cho chế độ ăn uống. Điều này có nghĩa là chúng được dùng ngoài chế độ ăn uống cân bằng, bình thường. Nhiều người dùng thực phẩm bổ sung vì chế độ ăn uống thông thường của họ thiếu một chất dinh dưỡng nào đó. Điều này thường xảy ra với những người theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay. Họ cần dùng thực phẩm bổ sung để bổ sung thêm chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống.
Một lý do khác để dùng thực phẩm bổ sung là một số chất dinh dưỡng không thể được hấp thụ đầy đủ qua thức ăn. Thực phẩm bổ sung có thể làm tăng sự hấp thu các chất dinh dưỡng không được hấp thụ đầy đủ qua thực phẩm. Ví dụ, rau bina có chứa sắt nhưng các nghiên cứu cho thấy chỉ có 1-2% chất sắt được hấp thụ khi ăn rau bina.
2.2 Khi cơ thể cần thực phẩm bổ sung
Hầu hết mọi người nhận đủ vitamin và khoáng chất thông qua chế độ ăn uống hằng ngày. Tuy nhiên, có những lúc cơ thể chúng ta cần tăng cường chất dinh dưỡng, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ như: bổ sung và vitamin D để giữ cho xương chắc khỏe, giảm nguy cơ mất xương; bổ sung những loại vitamin như vitamin A, C, E… để cải thiện sức khỏe làn da; bổ sung omega-3 nếu bạn muốn giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, trí não và trái tim hoạt động tốt; bổ sung probiotic hỗ trợ sức khỏe đường ruột và tiêu hóa…
2.3 Chọn thực phẩm bổ sung tự nhiên
Bạn nên chọn loại thực phẩm bổ sung không chứa quá nhiều thành phần, càng ít thành phần thì càng tự nhiên. Nếu loại thực phẩm bổ sung chứa nhiều chất, chứa chất làm ngọt nhân tạo và chất bảo quản thì đó không phải là lựa chọn phù hợp.
2.4 Đọc kỹ nhãn hiệu, thành phần trước khi dùng
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thực phẩm bổ sung cần được xác định có hiệu quả hay không trước khi chúng được đưa ra thị trường. FDA đã thiết lập các quy trình thực hành sản xuất tốt (GMP) mà các công ty phải tuân theo để giúp đảm bảo danh tính, độ tinh khiết, hàm lượng và thành phần của thực phẩm bổ sung.
Hãy chọn công ty sản xuất thực phẩm chức năng uy tín và nhà phân phối uy tín. Thực phẩm bổ sung được sản xuất bởi các nhà sản xuất thực phẩm hoặc dược phẩm nổi tiếng có nhiều khả năng được sản xuất bằng cách kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn.
Các nhà sản xuất uy tín sẽ cung cấp thông tin liên hệ trên nhãn hoặc bao bì sản phẩm của họ để bạn biết cách liên hệ nếu có thắc mắc hoặc báo cáo tác dụng phụ nghiêm trọng.
2.5 Tránh sản phẩm quảng cáo có tác dụng "thần kỳ"
Tránh những sản phẩm được cho là "phương thuốc thần kỳ", "đột phá" hoặc "khám phá mới". Những tuyên bố như vậy hầu như luôn mang tính lừa đảo và sản phẩm có thể chứa các chất, thuốc hoặc chất gây ô nhiễm có hại.
Tránh các sản phẩm tuyên bố có thể điều trị nhiều loại bệnh không liên quan. Nếu một sản phẩm bổ sung tuyên bố rằng nó có thể chẩn đoán, điều trị, chữa khỏi hoặc ngăn ngừa bệnh tật, chẳng hạn như "chữa bệnh ung thư" hoặc "ngăn chặn sự phát triển của khối u", thì sản phẩm đó đang được bán bất hợp pháp dưới dạng thuốc.
Cố gắng tránh hỗn hợp nhiều chất bổ sung khác nhau. Càng nhiều thành phần thì nguy cơ tác dụng có hại càng lớn. Hỗn hợp cũng khiến việc xác định chất nào gây ra tác dụng phụ trở nên khó khăn hơn.
2.6 Nên gặp bác sĩ tư vấn khi sử dụng thực phẩm bổ sung
FDA khuyên người tiêu dùng nên nói chuyện với bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi quyết định mua hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung. Đây là điều rất quan trọng, mặc dù bác sĩ của bạn có thể không biết về tất cả các sản phẩm hiện có nhưng họ có thể cho bạn biết những sản phẩm nào không an toàn đối với tình trạng sức khỏe của bạn.