Bệnh sán lá phổi và cách phòng chống
Bệnh sán lá phổi do loài sán lá thuộc giống Paragonimus westermani gây nên. Sán ký sinh ở phế nang, gây viêm phế quản và viêm phổi. Sán lá có thể ký sinh ở màng phổi, phúc mạc, gan, não, tinh hoàn, dưới da... Tại các cơ quan đó sán lá tạo nên những ổ áp xe bằng đầu ngón tay chứa 2 sán trưởng thành và dịch mủ màu đỏ. Vật chủ chính của sán là người, chó, mèo, lợn, hổ, cáo, chồn...Vật chủ trung gian là ốc, tôm, cua (nước ngọt).
Biểu hiện bệnh:
Ho kéo dài, ho ra máu, không sốt, thể trạng ít suy sụp. Một số trường hợp tràn dịch màng phổi. Mức độ biểu hiện tùy thuộc vào số lượng sán và sức đề kháng của cơ thể bệnh nhân.
Khi chụp X quang, phổi có nốt mờ, có hang nhỏ.
Bệnh thường gặp nhất ở phổi. (Rất hay nhầm với bệnh lao phổi)
Đường lây truyền
Theo đường tiêu hóa, do người và động vật ăn tôm, cua có mang ấu trùng sán chưa được nấu chín.
Bệnh nhân có thể thải trứng sán theo đờm và phân vào nước. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Biện pháp phòng chống:
Quản lý đờm, phân của người bệnh.
Tuyệt đối không ăn gỏi tôm, cua nướng chưa chín, nấu chưa kỹ.
Điều trị bệnh bằng các loại thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
Theo Nhà xuất bản Y học