Hiệu quả của mô hình điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại Thái Bình
Hiệu quả của mô hình điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại Thái Bình
Những năm qua cùng với sự phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội, đời sống của người dân Thái Bình đã từng bước được nâng lên. Các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố cũng vì thế mà ngày một gia tăng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có trên 4.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Phần lớn những cơ sở dịch vụ ăn uống đã được đầu tư bài bản và chú trọng đến công tác ATVSTP. Tuy nhiên vẫn còn có những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đầu tư, mua sắm dụng cụ chế biến; dụng cụ bảo quản, chứa đựng thức ăn chưa đáp ứng được điều kiện bảo đảm về ATTP, địa điểm kinh doanh thường tạm bợ, môi trường bị ô nhiễm, nguyên liệu chế biến thức ăn chủ yếu vẫn được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ… nên nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, các vụ ngộ độc thực phẩm từ dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố vẫn còn có những diễn biến phức tạp, cũng như khó kiểm soát một cách bền vững ở tất cả các công đoạn.
Trước thực trạng đó, để kiểm soát tốt các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh, từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2020, Chi cục ATVSTP tỉnh Thái Bình đã khảo sát, đánh giá ban đầu tại 150 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Thái Bình và đã chọn ra 20 cơ sở để triển khai thực hiện "Mô hình điểm bảo đảm an toàn thực phẩm".
Việc xây dựng mô hình điểm là nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về ATTP, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm được sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, lưu thông và sử dụng thực phẩm trên địa bàn tỉnh, phòng chống ngộ độc thực phẩm, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đồng thời, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến ATTP của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Các cơ sở tham gia mô hình điểm được Chi cục ATVSTP hướng dẫn thực hiện các quy định về đảm bảo ATTP, thực hiện việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm cung cấp cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tổ chức tập huấn cho người quản lý và người trực tiếp chế biến thực phẩm. Kiểm nghiệm mẫu thực phẩm đã qua chế biến hoặc nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; cấp các vật dụng, biển hiệu, quần áo bảo hộ, mũ, mẫu test nhanh để kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, được giới thiệu hình ảnh cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, Website của Chi cục ATVSTP, qua đó họ sẽ tạo dựng niềm tin và xây dựng hình ảnh đối với khách hàng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo các cơ sở thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các hoạt động khi tham gia vào mô hình điểm. Chi cục ATVSTP đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), Trung tâm Y tế thành phố tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất…
Có thể thấy, sau một thời gian triển khai xây dựng Mô hình điểm về kiểm soát ATTP bước đầu đã đạt được những hiệu quả tích cực: Thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh trong công tác đảm bảo ATTP. Nâng cao chất lượng các dịch vụ và sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Từ những kết quả đạt được trong triển khai thí điểm "Mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm" sẽ là tiền đề để Chi cục ATVSTP tỉnh Thái Bình tiếp tục nhân rộng mô hình kiểm soát ATTP theo chuỗi trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm ATTP trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình.