Kết quả xử lý vi phạm an toàn thực phẩm Đoàn liên ngành trong dịp Tết Trung thu năm 2022
Thực hiện Công văn số 1886/ATTP-NĐTT ngày 09/8/2022 của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm ( ATTP) về việc tăng cường đảm bảo An toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022; Kế hoạch số 21/KH-BCĐ ngày 25/02/2022 của Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Thái Bình triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022; sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; Đoàn kiểm tra liên ngành thành lập theo Quyết định số 654/QĐ-SYT ngày 26/8/2022 do đồng chí Phạm Thị Mỹ Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm làm trưởng đoàn, phối hợp với các thành viên Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cảnh sát môi trường đã tiến hành kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu,
Qua quá trình kiểm tra và kết quả kiểm nghiệm mẫu, bên cạnh các cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP vẫn còn một số cơ sở, một số sản phẩm chưa đạt yêu cầu. Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 05 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống với tổng số tiền 42 triệu đồng. Các cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: 02 cơ sở sản xuất bánh nướng, bánh dẻo (hộ kinh doanh Trần Văn Đức phạt 20 triệu đồng, hộ kinh doanh Đặng Thị Hoa Liên phạt 5 triệu đồng); 03 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (Hộ kinh doanh Vũ Hữu Đoàn bị phạt 10 triệu đồng, Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Trường bị phạt 4 triệu đồng, hộ kinh doanh Trần Thị Hạnh Nguyên bị phạt 3 triệu đồng). Riêng cơ sở sản xuất giò chả Cao Chiến có hành vi vi phạm nhưng miễn xử phạt do bị bệnh hiểm nghèo. Các hành vi vi phạm hành chính bao gồm: Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép; người trực tiếp sản xuất thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Kết quả nêu trên cho thấy cần tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phối hợp liên ngành trong kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm, đặc biệt là các dịp cao điểm trong năm nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm và xử lý theo quy định, góp phần đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thị Dang, Phòng Thanh tra