Cách giữ an toàn thực phẩm trong mùa nóng
Nhiều loại vi khuẩn có thể sinh sôi ngay cả ở nhiệt độ của tủ lạnh, gây rối loạn tiêu hóa. Vì thế, các loại rau quả ăn sống cần được rửa thật sạch trước khi cho vào tủ lạnh; khi sử dụng nên gọt vỏ nếu có thể. Đối với món ăn sống (nhất là loại rau xắt nhỏ), nên chuẩn bị ngay trước bữa ăn thay vì làm trước và cho vào tủ lạnh.
Sau đây là một số lưu ý khác trong bảo quản thức ăn vào mùa nóng:
- Chỉ nên để thực phẩm đã nguội vào tủ lạnh. Nếu còn nóng, hơi tỏa ra sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm khác và khiến tủ bị nóng lên. Nếu tủ của bạn không có bộ phận xả tủ tự động thì đừng quên xả thường xuyên.
- Chỉ xếp vào tủ lạnh những sản phẩm sạch: Rau và trái cây phải được rửa trước khi cất, vứt bỏ các bao bì bẩn.
- Khi trời nóng, không nên giữ đồ ăn thừa dễ hỏng. Nếu bạn chuẩn bị món ăn cho hai bữa thì nên cất phần để dành vào hộp kín, rồi bỏ ngay vào tủ lạnh, chỉ giữ đến hôm sau mà thôi. Tránh để đồ ăn cho bữa sau ở bên ngoài, nhất là các món cá, đồ biển, sốt hoặc có kem.
- Nên lau rửa phía bên trong tủ lạnh hằng tuần.
Cách sắp xếp tủ lạnh
- Tầng lạnh nhất (1-4 độ C): Để thịt, gia cầm, nội tạng, cá, đồ nguội, pho mát tươi, kem tươi, đồ ăn có sữa, rau củ đóng gói, đồ ăn sẵn.
- Tầng trung (5-8 độ C): Để sữa hộp đã khui (tối đa 3 ngày), rau và trái cây nấu chín, canh nấu rồi (tối đa 48 tiếng), các loại sốt (tối đa 2-3 ngày).
- Hộp đựng rau củ (8-10 độ C): Rau, trái tươi (trừ chuối).
- Cánh cửa: Các đồ uống, trứng, bơ.
Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam (theo Elle)