Biểu hiện ngộ độc nấm và cách xử trí
Nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn ngon, lạ, hấp dẫn. Một số loại nấm phổ biến ở tỉnh ta như nấm sò, nấm đùi gà, nấm mỡ...Tuy nhiên, bên cạnh các loại nấm ăn được thì có rất nhiều loại nấm độc, dễ gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng.
Thực tế, việc phân biệt các loại rau quả độc và đặc biệt là nấm độc thường rất khó và phức tạp. Hơn nữa, lượng chất độc trong các bộ phận của cây cũng khác nhau tùy theo mùa. Khi ăn ít thì có thể tác dụng độc không đáng kể, nhưng ăn nhiều và nhất là ăn lúc đói dễ bị ngộ độc nặng. Ngoài ra, chất độc vào cơ thể còn tùy thuộc mức độ thích ứng của mỗi người: trẻ em, người yếu, người già rất dễ bị ngộ độc. Trong các loại thực phẩm gây ngộ độc thì ngộ độc nấm là nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong nhiều nhất vì so với các loại rau độc do chứa các độc tố muscarin, phallatoxin, amatoxin… có tác dụng tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh. Chỉ cần vài cây nấm độc trong món ăn có nấm cũng có thể gây độc, thậm chí làm chết nhiều người.
Khi bị ngộ độc nấm, triệu chứng thường gặp đầu tiên là loạn nhịp thở, chóng mặt buồn nôn, rối loạn hoạt động của bộ máy tiêu hóa, gan thận, co giật, rối loạn thần kinh, tim mạch, hôn mê và tê liệt thần kinh trung ương… Phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào loại nấm mà người bệnh sẽ có các biểu hiện ngộ độc sớm hay muộn.
Biểu hiện ngộ độc sớm: Thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ
Biểu hiện ngộ độc muộn: Có thể sau khi ăn 6 - 40 giờ (trung bình 12 giờ) mới xuất hiện triệu chứng. Hầu hết các trường hợp do nấm lục (nấm độc xanh đen) 6 - 40 giờ sau ăn, bệnh nhân mới biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy dữ dội và nhiều trong khi đó hầu hết chất độc đã vào máu. Có trường hợp sau 1 - 2 ngày điều trị, các biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy đỡ, người bệnh (thậm chí có thể cả cán bộ y tế) nghĩ là bệnh đã khỏi. Nhưng trên thực tế, tình trạng ngộ độc vẫn tiếp diễn âm thầm ở các cơ quan khác. Sau 3 - 4 ngày: vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, ăn kém, tiểu ít dần, phù, chảy máu nhiều nơi, hôn mê và tử vong.
Để phòng chống ngộ độc do nấm độc, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế khuyến cáo người dân cách xử trí và dự phòng ngộ độc nấm như sau:
Dự phòng ngộ độc nấm
- Xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến lúc có triệu chứng ngộ độc nấm: Nếu dưới 6 tiếng: điều trị ở xã, huyện; nếu hơn 6 tiếng gửi bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh nơi có điều kiện lọc máu.
- Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được
- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả...
- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ
- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.
- Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.
- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
Xử trí khi bị ngộ độc
Trong khi chờ vận chuyển cấp cứu, bằng mọi biện pháp phải loại nhanh chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn hoặc dùng thuốc giải độc có tác dụng làm giảm hoặc trung hòa chất độc (than hoạt tính). Cụ thể:
Gây nôn: móc họng cho nôn hoặc dùng lông gà rửa sạch ngoáy vào họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi. Nếu không nôn được thì phải rửa dạ dày hoặc tẩy thụt loại chất độc ra khỏi ruột bằng dung dịch thuốc tím 0,1% hoặc dùng dung dịch 5% natricacbonat, uống 30g sunfat natri hoặc sunfat manhe với 1-2 cốc nước.
Uống than hoạt tính: Uống 30g than hoạt tính (2 thìa canh) với 1-2 cốc nước (có thể cho ít đường trắng cho dễ uống). Than hoạt sẽ hấp phụ chất độc, chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu không có than hoạt thì mua viên carbogast hoặc carbophos 400mg/viên để uống. Nếu nạn nhân mê man bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì phải cho nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ.
Chú ý: Trường hợp nặng, sau khi sơ cứu tại y tế cơ sở, cần nhanh chóng chuyển về tuyến trên có phương tiện hồi sức tích cực tốt để theo dõi và điều trị (thường tuyến tỉnh trở lên). Nếu có dấu hiệu đe dọa tính mạng, phải chuyển về trung tâm chống độc. Thận trọng loại biểu hiện ngộ độc muộn, mặc dù sau khi sơ cứu đã hết triệu chứng nôn, đau và tiêu chảy nhưng cũng không nên về nhà ngay trong 1-2 ngày đầu mà cần nằm tại viện để theo dõi thêm vì có thể sau 3-4 ngày, các biểu hiện suy gan thận mới bộc lộ…, nếu chủ quan sẽ nguy hiểm tính mạng.