Phòng tránh ngộ độc rượu chứa methanol cao
Rượu là đồ uống có từ lâu đời không những ở Việt Nam mà ở cả thế giới. Con người sử dụng rượu đúng cách, vừa liều lượng sẽ làm cho sức khỏe cả về thể chất và tinh thần tốt hơn. Song, nếu sử dụng phải rượu lậu, rượu giả có chứa methanol sẽ gây tổn thương trực tiếp sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
Hiện nay tình hình sản xuất rượu giả, rượu lậu ngày càng có xu hướng phát triển, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế từ ngày 01/01/2010 đến ngày 15/5/2020 toàn quốc ghi nhận 59 vụ ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn làm 385 người mắc và 81 người tử vong. Kết quả thống kê cho thấy, trong số 59 vụ ngộ độc có 17 vụ ngộ độc do rượu có Methanol cao. Riêng năm 2020, từ 01/01/2020 đến 15/5/2020 toàn quốc ghi nhận 04 vụ ngộ độc rượu làm 19 người mắc và 05 người tử vong, trong số đó có 01 vụ ngộ độc do rượu có methanol cao làm 03 người tử vong.
Methanol (còn gọi là cồn Methylic, công thức hóa học CH3OH) được dùng thông dụng trong công nghiệp hóa chất cũng như trong đời sống. Methanol là chất độc cực mạnh vì chúng thải trừ chậm, chuyển hóa Oxy hóa thành Formol (Formaldehyd) và acid Formic, chỉ cần uống 5-15 ml có thể gây ngộ độc nặng, 15 ml trở lên là gây mù lòa, 30 ml trở lên có thể gây tử vong.
- Triệu chứng khi ngộ độc:
Trường hợp nhẹ:
+ Chóng mặt, đau đầu, rối loạn ý thức;
+ Buồn nôn, nôn mửa;
Trường hợp nặng:
+ Rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, có thể nôn ra máu;
+ Rối loạn thàn kinh: giẫy dụa, lẫn lộn, co giật;
+ Cuối cùng là hôn mê, co cứng toàn thân;
+ Di chứng nặng nề ở mắt: tổn thương võng mạc, dây thần kinh số II dẫn tới mù lòa.
+ Rối loạn hô hấp: Phù phổi cấp, giảm thông khí phế nang gây thiếu oxy tổ chức.
+ Rối loạn tuần hoàn: Sốc, toan chuyển hóa
- Xử trí:
+ Nhẹ: để bệnh nhân nằm nghỉ nơi yên tĩnh, cần kê gối thấp cho bệnh nhân nằm nhằm làm nôn hết rượu ra. Sau đó, để bệnh nhân ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp để bệnh nhân đói sẽ bị hạ đường huyết nguy hiểm. Nếu bệnh nhân lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì hoặc cứ ăn vào là nôn thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
+ Nặng: Cần đưa ngay người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất, lưu ý đảm bảo đường hô hấp thông suốt, nếu ngừng thở tến hành hô hấp nhân tạo.
- Một số lưu ý khi xử trí bệnh nhân ngộ độc rượu:
+ Không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.
+ Khi say rượu, không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.
+ Người ngộ độc rượu không tắm ngay vì dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch.
+ Các loại nước mía, nước chanh, cam vắt, nước cà chua, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ… uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ.
+ Có thể dùng 3 lát gừng tươi giã nát, trộn với một ít giấm và đường, ép lấy nước để uống. Hoặc 1 nắm đậu xanh giã nát, ít trà mạn và 1 chén nước, đun lên để uống.
- Phòng ngừa:
+ Tuyệt đối không được uống cồn Methylic.
+ Không pha chế rượu uống từ cồn công nghiệp.
+ Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
+ Nâng cao nhận thức và thực hành về nếp sống vệ sinh khoa học, tránh uống rượu thái quá./.