Sử dụng bánh Trung thu an toàn
Mỗi năm, khi Tết trung thu đến gần, nhu cầu tìm mua chiếc bánh trung thu lại tăng cao, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính hơn trong việc lựa chọn sản phẩm với mong muốn mua được những chiếc bánh vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt, đảm bảo an toàn để làm quà biếu hoặc để sử dụng cho gia đình của mình. Các loại bánh trung thu trên thị trường hiện nay được sản xuất đa dạng từ phương pháp thủ công (handmade) đến dây chuyền công nghiệp, đặc biệt, những năm gần đây trên thị trường đã xuất hiện một số loại bánh trung thu nhập khẩu từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc,…với nhiều mẫu mã, kích thước nhằm đáp ứng nhu cầu trên của người tiêu dùng.
Bánh trung thu là một sản phẩm được chế biến từ đa dạng các loại nguyên liệu thực phẩm, gia vị, phụ gia thực phẩm... Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như ôi thiu, nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, ....Việc kiểm soát nguyên liệu không được đảm bảo và chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn tiêu chảy.... ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Do đó người tiêu dùng cần có các thông tin quy định về sản xuất, kinh doanh bánh trung thu đảm bảo an toàn sản phẩm cho gia đình trong mùa Trung thu đang đến.
Để sản xuất và kinh doanh bánh trung thu an toàn đòi hỏi các cơ sở cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như: Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm hoặc cơ sở đã được cấp một trong số các Giấy chứng nhận chất lượng khác như HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.
Đồng thời, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bánh trung thu phải đáp ứng được các yêu cầu theo TCVN 12940:2020 Tiêu chuẩn Quốc gia về bánh nướng, TCVN 12941:2020 Tiêu chuẩn Quốc gia về bánh dẻo, cũng như thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục được cho phép của Bộ Y Tế; thực hiện việc tự công bố chất lượng sản phẩm và quy định về nhãn sản phẩm như: Tên hàng hoá, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá, định lượng, ngày sản xuất và hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, thành phần và thành phần định lượng, thông số kỹ thuật và thông tin cảnh báo, các nội dung khác thể hiện trên nhãn hàng hoá,… Riêng, đối với sản phẩm nhập khẩu phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt rõ ràng, đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định.
Với thị trường bánh trung thu đa dạng với nhiều mẫu mã khác nhau,theo Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý để lựa chọn sản phẩm đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình của mình: Chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Tránh mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác rõ ràng hay bao bì rách nát, sản phẩm bị móp méo hoặc có màu sắc khác thường, bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và có mùi khác lạ …
Nguồn: http://bqlattp.hochiminhcity.gov.vn/ArticleDetail.aspx?NewsID=4376