Thịt lợn- Những điều cần biết
Để cung cấp thực phẩm ra thị trường, thịt và các sản phẩm từ thịt lợn phải đáp ứng các yêu cầu về chăn nuôi an toàn và đảm bảo sản xuất lợn thịt xuất chuồng đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, không tồn dư hóa chất độc hại và vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Tuy nhiên, một số người vẫn giết mổ lợn chết đem tiêu thụ với giá rẻ được các nhà sản xuất, kinh doanh mua vì lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đây là hành vi bị cấm theo Luật An toàn thực phẩm và bị xử lý vi phạm hành chính:
1. Thịt lợn chết có được giết mổ?
Theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn buộc tiêu hủy ngay, lợn chết do bệnh như: Bệnh tai xanh, bệnh Lỡ mồm long móng, bệnh Nhiệt thán, bệnh Dịch tả, bệnh Xoắn khuẩn, bệnh Liên cầu khuẩn lợn týp2, bệnh Giun xoắn, bệnh Sảy thai truyền nhiễm.
Trường hợp lợn chết không phải vì bệnh mà do nhiều nguyên nhân khác như: shock nhiệt, vận chuyển với mật độ dày dẫn đến lợn chèn ép lên nhau… người tiêu dùng cũng không nên sử dụng bởi vì chất lượng thịt bị biến đổi có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
2. Sản xuất, kinh doanh thịt lợn chết bị xử lý như thế nào?
Theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 4. Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP;
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP;
Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm quy định tại Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Tổng hợp