Muối và những ảnh hưởng đối với sức khỏe
Muối là một loại khoáng chất, công thức hóa học bao gồm Natri (Na) và Clo (Cl), viết tắt là NaCl (Natri clorua). Muối không chỉ gia tăng hương vị mặn của thức ăn, kích thích vị giác mà còn bổ sung cho cơ thể các khoáng chất cần thiết cho sự sống của mỗi con người.
1.Tác dụng của muối đối với cơ thể, sức khỏe con người
Muối có nhiều tác dụng quan trọng đối với cơ thể, sức khỏe con người. Muối duy trì áp suất thẩm thấu, duy trì lượng nước trong cơ thể, từ sự cân bằng của các tế bào. Nếu bổ sung đúng cách, muối ăn có thể đem lại các công dụng sau: cân bằng điện giải, duy trì chức năng tuyến giáp, giữ nước cho cơ thể, ngăn ngừa huyết áp thấp, cải thiện triệu chứng của bệnh xơ nang, tác dụng sát trùng và giảm viêm, bảo vệ sức khỏe răng miệng, giảm ngứa ngáy và viêm da, hỗ trợ điều trị các bệnh viêm đường hô hấp trên, duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh, giảm ngứa ngáy và viêm da, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
2. Một số lưu ý khi sử dụng muối
Mặc dù muối là chất quan trọng và tốt cho sức khỏe nhưng cũng không nên quá lạm dụng, nếu không nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn.
Mỗi ngày nên ăn bao nhiêu muối?
Tuổi | Lượng muối (gam/ngày) |
0 - 5 tháng | 0,3 |
6 - 11 tháng | 1,5 |
1 - 2 tuổi | < 2,3 |
3 - 5 tuổi | < 2,8 |
6 - 7 tuổi | < 3,3 |
8 - 9 tuổi | < 4,0 |
10 - 11 tuổi | < 4,8 |
12 tuổi - Trưởng thành | < 5,0 |
Muối cũng có thương hiệu và chất lượng. Chọn muối tiêu chuẩn, bạn cần mua muối có thương hiệu rõ ràng trong cửa hàng hoặc tại các cửa hàng là cơ sở đại lý có giấy phép; để đảm bảo rằng đã chọn muối an toàn và chất lượng muối đảm bảo.
Lưu trữ muối quá lâu sẽ gây hại cho sức khỏe: Thông thường, muối cũng có hạn sử dụng, vì vậy, bạn nên mua với số lượng nhỏ; bảo quản vào hộp kín; bảo quản nơi khô ráo; không có ánh sáng mặt trời chiếu vào và thoáng mát.
Việc sử dụng quá nhiều hoặc quá ít muối có thể dẫn đến nhiều rủi ro. Vì vậy bạn nên bổ sung đủ hàm lượng muối mỗi ngày để duy trì thể trạng khỏe mạnh và chủ động ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe. Với những trường hợp mắc bệnh lý về thận, tim mạch và huyết áp, bạn nên trao đổi với bác sĩ để biết chính xác hàm lượng muối cần bổ sung mỗi ngày.
3. Cơ thể sẽ ra sao nếu thiếu muối?
Nếu không được đáp ứng đầy đủ lượng muối cần thiết, cơ thể con người có thể đối mặt với những vấn đề sức khỏe như: Thiếu điện giải, tụt huyết áp, phù não, phù toàn thân, suy giảm chức năng hệ cơ.
4. Ăn thừa muối có nguy hiểm gì?
Một chế độ ăn thừa muối dẫn đến nguy cơ gây ra các bệnh lý như: Khô miệng, đau đầu, tăng huyết áp, sỏi thận, suy thận, loãng xương, tai biến mạch mãu não. Chúng cũng là những nguyên do hàng đầu gây nên các cơn đau tim và các rối loạn chức năng khác. Các bệnh trở nên nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, tiêu thụ nhiều natri (tương đương nhiều hơn 5 gram muối/ngày) và cung cấp không đủ kali (dưới 3,5 gram/ngày) góp phần làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Hiện tại, người dân thế giới đang có xu hướng tiêu thụ quá nhiều muối, trung bình 9 -12 gram/ngày, hoặc gấp đôi mức tối đa nên dùng.
Các quốc gia thành viên của WHO đã đồng ý giảm lượng muối tiêu thụ của dân số toàn cầu xuống khoảng 30% vào năm 2025. Ước tính khoảng 2,5 triệu ca tử vong có thể được ngăn chặn mỗi năm nếu lượng muối tiêu thụ toàn cầu giảm xuống mức khuyến nghị - theo WHO.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây ra rối loạn khác cho sức khỏe.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2015, trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4 gram muối trong một ngày, nghĩa là cao gấp đôi so với khuyến cáo. Số liệu cho thấy: Hiện nay, tại Việt Nam, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp, cứ 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu tử vong do tai biến mạch não.
Trong năm 2016, ước tính toàn quốc có tới 81.800 trường hợp tử vong do bệnh mạch máu não (chiếm 15% tổng số tử vong trên toàn quốc) và 67.500 trường hợp chết do nhồi máu cơ tim (chiếm 12% số tử vong).
Theo điều tra năm 2015, 89,2% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến và nấu ăn; 70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương, mì chính và các gia vị có muối khác với thức ăn trong khi ăn (muối trên bàn ăn); 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mỳ ăn liền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả...).
Mặc dù hầu hết người Việt Nam ăn nhiều muối nhưng chỉ có 16% số người khi được hỏi cho rằng bản thân có ăn mặn.
5. Làm thế nào để giảm lượng muối trong khẩu phần?
Bạn khó có thể đong đo đếm lượng muối trong khẩu phần, vì muối không chỉ có trong muối ăn, bột ngọt, nước mắm, nước tương, mắm nêm, mắm ruốc,… mà còn có sẵn trong các thực phẩm tự nhiên như sữa, rau, trái cây, thịt, cá, trứng,….
Mỗi cá nhân và gia đình có thể giảm lượng muối ăn bằng những biện pháp rất đơn giản như sau:
- Không để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn.
- Hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… cho vào thức ăn khi nấu nướng.
- Hạn chế thường xuyên sử dụng và bỏ thói quen tiêu thụ thức ăn chứa nhiều muối như: cà muối, dưa muối, mắm tôm, mắm tép, thức ăn đóng hộp, khoai tây chiên, pizza,…
- Lựa chọn các sản phẩm có hàm lượng muối thấp khi mua thực phẩm chế biến sẵn.
- Nên cho trẻ em ăn thực phẩm tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ việc thêm các gia vị mặn.
(Tổng hợp)