Khuyến cáo khi mua hàng thực phẩm online
Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet trên Thế Giới cũng như tại Việt Nam, cùng với sự phát triển trong lĩnh vực mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người thì việc mua sắm online dần trở thành lĩnh vực rất tiện ích đối với người dân. Việc kinh doanh mua sắm thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội đã mang đến sự tiện ích cho xã hội, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng thực phẩm chưa được công bố làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Việc kiểm soát hàng hóa thực phẩm trong mua bán online vẫn còn nhiều hạn chế, do vậy người tiêu dùng có thể gặp một số rủi ro:
- Hạn chế trong việc xem sản phẩm thực tế, ngược với hình thức mua sắm truyền thống là có thể xem, đánh giá trực tiếp sản phẩm tốt xấu khác nhau.
- Các thông tin về an toàn/cảnh báo an toàn trên sản phẩm khó nhận thấy.
- Không rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; thậm chí sản phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng.
- Không thấy rõ thông tin thành phần sản phẩm: một số sản phẩm sử dụng phụ gia thực phẩm không cho phép, hoặc chất cấm v.v.
- Tài khoản cá nhân có thể bị xâm nhập trái phép nếu lựa chọn những trang website lạ.
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đưa ra một số khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng thực phẩm trên mạng xã hội như sau:
- Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương, những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng về địa chỉ, số điện thoại hay mã số thuế.
Kí hiệu website kinh doanh sản phẩm đã thông báo hoặc đăng ký với Bộ công thương (ảnh sưu tầm)
- Người tiêu dùng kiểm tra đầy đủ các thông tin như: chủ sở hữu, địa chỉ, số điện thoại, tên sản phẩm, hạn sử dụng, ngày sản xuất, khối lượng, thông tin cảnh báo,..giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (nếu có), công bố sản phẩm (nếu có), có nguồn gốc rõ ràng, và cơ sở được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Không mua hàng hóa tại những trang website không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng, không có địa chỉ cửa hàng cụ thể thực tế mà chỉ bán online.
- Người tiêu dùng tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua: nguồn gốc xuất xứ, tính năng sản phẩm, đánh giá về sản phẩm/dịch vụ (những khách hàng trước) nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng.
- Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận. Cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích…đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái quy định pháp luật,.. thậm chí có thể đánh cắp thông tin tài chính của người tiêu dùng.
- Cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm/dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình.
- Khi nhận hàng cần kiểm tra kỹ hàng đã đặt mua, đặc biết chú ý đối với các sản phẩm đóng hộp. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.