Hỏi đáp pháp luật về việc xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm
Hỏi đáp pháp luật việc xác nhận tập huấn kiến thức đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Thời gian qua, theo ý kiến của nhiều tổ chức, cá nhân gọi điện lên đường dây nóng của Chi cục hỏi về một số các quy định về việc xác nhận tập huấn kiến thức ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm giải đáp một số câu hỏi như sau:
Câu 1: Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm có cần phải tập huấn kiến thức ATTP không? Điều này được quy định ở văn bản pháp luật nào?
Trả lời:
- Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm có cần phải tập huấn kiến thức ATTP.
- Quy định tại: Khoản 1 Điều 19 Luật An toàn thực phẩm quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải “Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm”; khoản 2 Điều 2 Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ “ Sửa đổi bổ sung một số qui định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế” quy định “ Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận”.
Câu 2: Việc tập huấn kiến thức ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm có tác dụng gì?
Trả lời:
Việc tập huấn nhằm phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP cũng như kiến thức chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chế biến dịch vụ ăn uống để chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, chế biến có kiến thức đúng sẽ tuân thủ pháp luật và thực hành đúng về ATTP góp phần cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn.
Câu 3: Nếu chủ cơ sở không thực hiện xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm có bị xử lý vi phạm hành chính không?
Trả lời:
Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định mức xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:
a) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm:
Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi “Sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu, bao gói chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP theo quy định của pháp luật.” (tại Điểm d Khoản 3 Điều 1)
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi “Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu, bao gói chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP theo quy định của pháp luật.” (tại Điểm đ Khoản 3 Điều 1)
b) Đối với cơ sở dịch vụ ăn uống:
Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi “Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP theo quy định của pháp luật.”(tại Điểm d Khoản 6 Điều 1)
Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi “Chủ cơ sở không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP theo quy định của pháp luật.”(tại Điểm đ Khoản 6 Điều 1).
Nguyễn Thị Liễu, Phòng Thông tin truyền thông