Hàn the và ngộ độc thực phẩm do hàn the
Hàn the là một hợp chất hoá học hay được gọi là Borax một loại muối rắn màu trắng đục, không mùi, không vị, dễ tan trong nước.Vì hàn the có khả năng diệt khuẩn, khửi mùi, tẩy rửa nên được ứng dụng khá nhiều trong gia đình, công nghiệp và y học.
1. Ứng dụng của hàn the trong công nghiệp:
- Hàn the được sử dụng phổ biến trong sản xuất các loại chất tẩy rửa, xà phòng, chất khử trùng, chất làm mềm nước và còn dùng để sản xuất thuốc trừ sâu.
- Làm men thuỷ tinh, men gốm, thuỷ tinh và làm cứng đồ sứ.
- Trong công nghiệp, Borax được biết đến với công dụng là làm nước rửa tay cho công nhân.
- Khi hàn các hợp kim chứa sắt như thép, hỗn hợp của Borax và amoni clorua được sử dụng như chất trợ chảy.
2. Tác hại của hàn the:
Về tác hại của hàn the, các nghiên cứu độc học đã chỉ ra rằng hàn the có khả năng tích tụ trong cơ thể gây tổn thương gan và thoái hóa cơ quan sinh dục. Hàn the còn gây tổn thương ruột, não và thận. Khi sử dụng thực phẩm có hàn the, hàn the sẽ được đào thải qua nước tiểu 81%, qua phân 1%, qua mồ hôi 3%, còn 15% được tích lũy trong cơ thể, đặc biệt ở mô mỡ, mô thần kinh, dần dần tác hại trên nguyên sinh chất và sự đồng hóa các chất Albuminoit.
Đối với phụ nữ có thai, hàn the còn có thể đào thải qua sữa và đặc biệt là rau thai. Qua đó gây độc và tạo những ảnh hưởng không tốt cho thai nhi. Đối với trẻ em, tác hại của hàn the sẽ tăng dần theo thời gian. Từ đó gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Đặc biệt đối với các bé đang trong độ tuổi trưởng thành.
3. Các nguy cơ gây ngộ độc hàn the:
- Để lẫn hàn the với các chất phụ gia và gia vị thực phẩm, dễ gây nhiễm chéo hoặc dùng nhầm như là một gia vị. Hàn the rất dễ nhầm với muối, mỳ chính, bột canh.
- Sử dụng nhầm các chất tẩy rửa có hàn the.
- Sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm để bảo quản làm thực phẩm dai, giòn hơn: như bảo quản thịt gia súc, gia cầm và thủy, hải sản.
4. Ngộ độc do hàn the:
a) Ngộ độc cấp tính:
Xảy ra trung bình 6-8 giờ sau khi ăn, nuốt phải hàn the, với các triệu chứng:
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau co cứng cơ, co giật.
- Chuột rút vùng bụng, vật vã, cơn động kinh.
- Dấu hiệu kích thích màng não và kích động.
- Tróc da, phát ban, đặc biệt vùng mông, gan bàn tay.
- Có thể có các dấu hiệu suy thận.
- Nhịp tim nhanh, sốc trụy mạch, da xanh tím, co giật, hoang tưởng và hôn mê.
Những thay đổi bệnh lý thường gặp là ổ chảy máu, sung huyết và thâm nhiễm bạch cầu da, thoái hóa ống thận, thoái hóa mỡ gan, thực bào thần kinh, giảm chất nhiễm sắc ở não và tủy sống. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cấp tính khoảng 50%.
b) Ngộ độc mạn tính:
Do khả năng tích lũy trong cơ thể của hàn the, gây ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, hấp thụ, quá trình chuyển hóa và chức phận của thận, biểu hiện bằng:
- Mất cảm giác ăn ngon, giảm cân, nôn tiêu chảy nhẹ.
- Mẩn đỏ da, cùng với tróc da, đặc biệt ở mông, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Rụng tóc, suy thận, cơn động kinh co giật, da xanh xao, suy nhược không hồi phục được.
Biện pháp phòng chống:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh hiểu về độc hại của hàn the để tự nguyện, tự giác không dùng hàn the trong chế biến và bảo quản thực phẩm.
2. Tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện việc sử dụng hàn the và xử lý kịp thời.
3. Có biện pháp phòng chống nhập lậu qua biên giới và buôn bán ở các chợ.
4. Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trở thành “Người tiêu dùng thông thái”.
5. Tiếp tục nghiên cứu về độc hại của hàn the và các chất thay thế hàn the.
Phạm Thị Hiền (tổng hợp)